DU HỌC SINGAPORE VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Singapore nổi tiếng là địa chỉ giáo dục chất lượng hàng đầu Châu Á. Tuy nhiên, trước khi trở thành sinh viên của quốc đảo này, có những điều du học sinh không thể không lưu ý.

Đảo quốc Sư tử không chỉ có nền kinh tế phát triển, năng động hàng đầu châu Á mà còn sở hữu hệ thống giáo dục tuyệt vời, thu hút nhiều sinh viên quốc tế nhờ chất lượng giảng dạy uy tín, giá cả học tập và sinh hoạt phải chăng hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác.

Du học Singapore và những điều cần biết

Dù vậy, trước khi quyết định du học Singapore, có những quy tắc trong học tập, sinh hoạt mà mọi sinh viên cần nhớ để đạt được kết quả tốt nhất cũng như có cách ứng xử phù hợp với văn hóa, pháp luật nơi đây.

Du học sinh và thủ tục nhập cảnh

Nếu muốn học tập tại Singapore dài hạn, du học sinh bắt buộc phải có Thẻ sinh viên (Student Pass).

Để có thẻ này, sinh viên phải nộp đơn đăng ký ít nhất trước 2 tháng và trong vòng không quá 6 tháng tính từ ngày bắt đầu khóa học. Ứng cử viên không được phép đặt chân lên lãnh thổ Singapore trong quá trình xử lý hồ sơ. Khi được chấp thuận, bạn sẽ nhận được một văn bản dưới dạng bản mềm để in ra và mang đến Singapore cùng hộ chiếu.

Tuy nhiên, Thẻ sinh viên bạn nhận dưới dạng văn bản chỉ có giá trị như giấy thông hành để nhập cảnh Singapore. Sang tới nơi, du học sinh sẽ phải đối giấy này thành thẻ nhựa và luôn mang thetrong thời gian theo học.

Thẻ sinh viên có hạn phụ thuộc vào khóa học bạn đăng ký. Thời gian tối thiểu của Student Pass là 90 ngày (3 tháng).

Học phí và các chính sách hỗ trợ

Học phí luôn là mối quan tâm hàng đầu của du học sinh. Dù giá cả ở đây rẻ hơn so với nhiều nước Châu Âu khác, nhưng tiền học ở Singapore nằm ở mức 24,000 SGD đến 40,000 SGD và được coi là một trong những đất nước có học phí cao ở Châu Á.

Để hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế, chính phủ nước này đã ban hành nhiều chính sách như:

· Học bổng của Bộ giáo dục

Bộ giáo dục Singapore cung cấp học phí cho các sinh viên quốc tế học tại các đại học, trường bách khoa kỹ thuật (polytechnic) của nước này. Sau khi tốt nghiệp, du học sinh phải ở lại Singapore và làm việc trong 3 năm.

· Học bổng

Một số trường trao học bổng dựa trên hồ sơ, thành tích học tập, nhu cầu tài chính và thường không quá 1,500 SGD/năm.

· Chương trình cho vay học phí

Có nơi cung cấp khoản vay lên đến 90% học phí trợ cấp của sinh viên đại học. Với sinh viên theo học bách khoa kỹ thuật, tỉ lệ lên tới 75%. Lãi suất của chương trình cho vay học tập thường khá ưu đãi với sinh viên và bạn chỉ phải trả nợ trước khi tốt nghiệp.

Một số học viện lại áp dụng hình thức cho vay khi mua dụng cụ học tập, chẳng hạn như máy tính, vv…

Quy định về làm thêm

Chính phủ Singapore có những quy định rất ngặt nghèo về hoạt động làm thêm của sinh viên quốc tế. Một khi sử dụng Thẻ sinh viên, du học sinh không được tham gia lao động ở bất kỳ ngành nghề nào trong thời gian lưu trú. Những trường hợp được phép làm thêm là:

· Làm thêm trong kỳ nghỉ

Bạn được quyền làm thêm nếu có Thẻ sinh viên, trên 14 tuổi và là sinh viên thuộc các trường nằm trong quy định.

· Làm thêm trong học kỳ

Để được làm việc theo diện này, sinh viên phải chứng minh chương trình làm việc có liên quan tới yêu cầu nghiệp vụ của đại học hoặc cơ sở giáo dục bạn đang theo học và phải phục vụ cho mục đích tốt nghiệp của mình. Tuy vậy, du học sinh cũng chỉ được phép lao động khi có Thẻ sinh viên và làm không quá 16 tiếng/tuần.

Cũng giống như quy định lao động trong kỳ nghỉ, những sinh viên theo học các trường thuộc danh sách chỉ định mới được phép đi làm.

Bảo hiểm

Chi phí điều trị y tế ở Singapore khá đắt đỏ nên nếu khám bệnh mà không có bảo hiểm y tế, sinh viên quốc tế có nguy cơ đối mặt với chuỗi hóa đơn cùng những con số không lồ. Đây cũng là lý do các trường tại nước này thường yêu cầu du học sinh mua bảo hiểm y tế trong toàn bộ thời gian học.

Ví dụ, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) có kế hoạch bảo hiểm riêng và yêu cầu mọi sinh viên phải tham gia. Phí bảo hiểm tại trường này thông thường nằm ở mức 89 SGD/kỳ, được tính vào các mục bắt buộc khác.

Tôn trọng pháp luật

Singapore là đất nước thượng tôn pháp luật và có nhiều quy định nghiêm ngặt về ứng xử nơi công cộng. Đã có nhiều trường hợp sinh viên nước ngoài không tìm hiểu kỹ chính sách nên có những vi phạm đáng tiếc, ảnh hưởng tới hồ sơ tương lai học tập của bản thân.

Dưới đây là một số quy định cần nhớ khi sinh sống ở Singapore:

· Không ăn kẹo cao su

Ở những nước khác, kẹo cao su có thể được ăn ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng tại Singapore, đây lại là món hàng quốc cấm. Nếu bị phát hiện đem theo kẹo cao su hoặc xả rác bừa bãi, bạn có thể bị phạt tới 1,000 SGD cho lần đầu vi phạm.

· Không xả rác

Nếu vứt những thứ nhỏ bé như đầu lọc thuốc lá hay giấy gói kẹo bừa bãi, dù vi phạm lần đầu, bạn vẫn có thể “ăn” mức phạt lên tới 300 SGD. Còn “xả” chai lọ, nước ngọt, túi nilon không đúng nơi quy định ư? Rất có thể bạn sẽ được cảnh sát áp giải ra tòa đó.

· Hút thuốc đúng nơi quy định

Bạn sẽ bị phạt từ 152 đến 760 SGD nếu hút thuốc ở nơi công cộng.

· Đi vào làn dành cho người đi bộ

Ai đã quen với việc sang đường… vô tội vạ như khi sống ở Việt Nam thì phải sửa thói quen này ngay bởi chính quyền Singapore có mức án rất cao cho những ai vi phạm. Bạn sẽ phải nộp 20 SGD cho đến mức… chịu án tù giam 6 tháng nếu không đi đúng vào làn quy định cho người đi bộ.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *